Tập đoàn Azurit Hansa chuyên đào tạo và cung ứng nhân lực cho ngành điều dưỡng tại Đức được thành lập vào năm 1997 với trụ sở chính được đặt tại bang Rheinland-Pfalz. Đón tiếp đoàn tại Viện dưỡng lão Zehnthof có Viện trưởng Hendrik Meinen, Phụ trách dự án Việt Nam Heinrich và 2 học viên – đại diện cho 6 học viên Việt Nam hiện đang theo học tại Viện.
Theo ông Meinen, với thực trạng già hóa dân số, nước Đức đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực cho ngành điều dưỡng trầm trọng. Tại Đức, lực lượng điều dưỡng viên để chăm sóc người già tại các bệnh viện, nhà dưỡng lão, trung tâm chăm sóc sức khỏe hay ngay tại nhà thiếu khoảng 10.000 điều dưỡng viên.
Viện dưỡng lão Zehnthof, mặc dù cơ sở vật chất của Viện có thể tiếp nhận được 120 người cao tuổi, nhưng do thiếu nhân lực nên Viện chỉ có thể tiếp nhận được 66 người.
Hiện Azurit Hansa đã mở hơn 80 cơ sở điều dưỡng trên toàn nước Đức với hơn 7.000 nhân viên làm việc và hơn 500 học viên học nghề. Trong đó có hơn 200 học viên đến từ Việt Nam.
Ông Meinen thông tin, sau khi có chứng chỉ B1 tiếng Đức tại Việt Nam, học viên theo học chương trình điều dưỡng viên của Tập đoàn Azurit Hansa sẽ được đài thọ học phí, chi phí thi và một phần chi phí sinh hoạt trong thời gian học B2 tại Đức (kéo dài từ 4 – 6 tháng).
Sau khi sang Đức, học viên ngoài được miễn 100% học phí trong suốt 3 năm học còn nhận được mức lương hỗ trợ từ 1.140 – 1.303 Euro/tháng để chi trả các chi phí sinh hoạt hàng ngày. Học viên sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề điều dưỡng viên được chính phủ Đức công nhận sau khi tốt nghiệp và có thể làm việc ngay tại các cơ sở viện dưỡng lão của Tập đoàn.
Tại buổi làm việc, Tổng Lãnh sự Lê Quang Long cảm ơn ông Meinen đã dành thời gian đón tiếp và đã sắp xếp cho ông được gặp gỡ với các học viên Việt Nam.
Ông Long đánh giá cao sự hỗ trợ của Viện trong thời gian qua đối với các học viên đến từ Việt Nam, cũng như các chính sách, mô hình đào tạo và dạy nghề của Tập đoàn Azurit Hansa. Đây cũng chính là những điểm quan trọng mà đào tạo nghề Việt Nam cần học hỏi và hướng tới.
Trong buổi làm việc tại trụ sở Tập đoàn Azurit Hansa, ông Markus von Puttkamer, Giám đốc điều hành tập đoàn, cho rằng học đi đôi với hành đã trở thành truyền thống trong hệ thống giáo dục Đức. Hình thức cơ bản nhất của công tác đào tạo nghề là dạy nghề trong hệ thống kép, nghĩa là đào tạo kết hợp tại trường nghề và tại doanh nghiệp.
Hàng năm, Tập đoàn Azurit Hansa đều cử người về Việt Nam để phỏng vấn tuyển dụng. Với quy trình lựa chọn kỹ càng, đào tạo bài bản, các học viên theo học tại Azurit Hansa sẽ có thêm sự tự tin với quá trình học tập và làm việc tại Đức.
Ông Puttkamer bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực điều dưỡng, cụ thể là được hợp tác liên kết với các trường dạy nghề điều dưỡng tại Việt Nam thông qua các hình thức như hỗ trợ đào tạo, đầu tư…
Tổng Lãnh sự Lê Quang Long đánh giá cao Azurit Hansa trong việc kết nối tìm kiếm nguồn nhân lực điều dưỡng tại Việt Nam và chương trình đào tạo nghề song hành của Đức. Tuy nhiên, số lượng học viên Việt Nam tham gia chương trình này chưa nhiều, có thể do những nguyên nhân.
Thứ nhất, chương trình đào tạo nghề điều dưỡng của Đức vẫn chưa được đông đảo học viên Việt Nam biết đến.
Thứ hai, thời gian học tiếng, học nghề tại Đức khá lâu (3,5 năm), khiến cho học viên phải tốn kém nhiều khoản chi phí cho sinh hoạt, trong khi nếu thi không đạt, học viên buộc phải quay trở về Việt Nam.
Thứ ba, tiếng Đức là một ngôn ngữ khó, chưa phổ biến tại Việt Nam, nên để đạt được trình độ B1 tại Việt Nam không phải đơn giản.
Ông Puttkamer cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến của Tổng Lãnh sự để tác động tới chính sách tuyển dụng lao động của chính phủ liên bang trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút học viên tham gia đào tạo nghề tại Đức.
Khẳng định, Tổng Lãnh sự quán luôn sẵn sàng hỗ trợ Tập đoàn trong việc thu hút, tuyển dụng học viên điều dưỡng từ Việt Nam, Tổng Lãnh sự Lê Quang Long bày tỏ mong muốn Azurit Hansa sẽ tích cực hỗ trợ, phát triển công tác đào tạo nghề chất lượng cao tại các trường dạy nghề Việt Nam trong thời gian tới.